You are currently viewing Khám phá quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Bến Tre – Phần 4: Thời kỳ chống Pháp và Mỹ

Khám phá quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Bến Tre – Phần 4: Thời kỳ chống Pháp và Mỹ

Khám phá quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Bến Tre – Phần 4: Thời kỳ chống Pháp và Mỹ:

Có thể nói rằng thời kỳ từ 1945 đến 1975 là một giai đoạn đặc biệt, giai đoạn chiến tranh ròng rã suốt 30 năm với quy mô và cường độ vô cùng ác liệt. Hoàn cảnh không bình thường ấy đã để lại những dấu ấn khá sâu đậm trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của xã hội Bến Tre. Riêng về phương diện phân bố dân cư cũng như phát triển dân số có nhiều diễn biến, xáo trộn, phức tạp.

Khám phá quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Bến Tre: Trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954):

Do địa thế bị ngăn cách bởi các con sông lớn, vùng đất cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên này bị giặc Pháp chiếm sau cùng (8-2-1946) so với các tỉnh khác ở Nam Bộ.

Nhờ 135 ngày được tự do, Bến Tre có thêm điều kiện để chuẩn bị tốt hơn về mặt quân sự, chính trị, kinh tế trước khi bước vào cuộc chiến đấu trực tiếp một mất một còn với kẻ địch. Khi bắt đầu cuộc kháng chiến (2-1946), tỉnh Bến Tre có khoảng 450.000 dân (1). Việc thực hiện một số chính sách về dân sinh dân chủ của chính quyền cách mạng tỉnh trong buổi đầu này nhằm đem lại những quyền lợi thiết thực cho người dân như xóa bỏ các thứ thuế bất công, chia lại ruộng công cho nông dân không có ruộng và thiếu ruộng, giảm mức tô chính, bãi bỏ tô phụ, xóa các nợ nần cũ đối với người nghèo v.v… đã có tác dụng rất tích cực đối với sự củng cố và phát triển cộng động dân cư Bến Tre trong những năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh sau đó.

Nhận rõ vị trí chiến lược của Bến Tre đối với chiến trường Nam Bộ, lại thêm những bài học kinh nghiệm của quá khứ về một vùng đất có truyền thống yêu nước bất khuất trong gần 80 năm thống trị, cho nên thực dân Pháp sau khi chiếm trọn 3 dải cù lao đã ra sức tập hợp bọn tay sai, bọn địa chủ phản động địa phương, lập ngụy quyền, phát triển ngụy quân, đồng thời thi hành chính sách cướp sạch, đốt sạch, giết sạch. Điển hình cho chính sách này là những hoạt động tàn bạo của Léon Leroy, một tên sĩ quan Tây lai, cùng đội quân cuồng tín UMDC – “Đơn vị cơ động bảo vệ những người theo đạo Thiên Chúa” – do hắn lập nên tại quê mẹ của hắn, đất Bình Đại. Đội quân này đã gieo rắc biết bao đau thương tang tóc trên cù lao An Hóa, về sau lan ra toàn tỉnh Bến Tre và cả một số tỉnh bạn xung quanh (2).

Những cuộc càng quét, khủng bố giết chóc bừa bãi, dã man diễn ra khắp nơi, trong đó có nhiều cuộc thảm sát tập thể một lúc hàng trăm nhân mạng, mà dấu vết còn ghi lại đến ngày nay qua những “giỗ hội” hàng năm của đồng bào Cầu Hòa, Bình Hòa, Tân Hào Đông, Cồn Thùng, Phước Thạnh v.v… có thể nói đây là giai đoạn đẫm máu nhất của lịch sử đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Bến Tre. Những tổn thất nặng nề về của cải và nhân mạng của nhân dân Bến Tre còn diễn ra trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, trong quá trình giành đi giật lại với kẻ thù từng tấc đất, từng người dân.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt này, có lúc kẻ địch bằng sức mạnh quân sự, đã ồ ạt lấn chiếm hầu hết các trung tâm dân cư đông đúc, những khu vực kinh tế trù phú, biến Bến Tre từ một tỉnh có vùng giải phóng rộng thành một tỉnh hoàn toàn bị tạm chiếm, với một hệ thống đồn bót dày đặc như mạng nhện, mỗi xã có từ 3 đến 28 đồn, có ấp chúng đóng đến 3 đồn. Toàn tỉnh có tới 1.036 đồn bót và tháp canh. Chiếm đóng đến đâu, địch thẳng tay bắn giết, hãm hiếp, cướp phá đến đó: cắt lưỡi, mổ bụng, moi gan, chặt đầu, bêu thây giữa chợ (3).

Về phía cách mạng, hầu hết đảng viên, cán bộ cơ sở đánh bật ra khỏi địa phương, nhiều đồng chí phải dạt sang huyện khác hoặc tỉnh bạn. Cơ sở quần chúng bị xáo trộn, cơ quan Tỉnh ủy, huyện ủy và các đơn vị Vệ quốc đoàn rút về căn cứ rừng Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, bị địch bao vây, phong tỏa, càn quét và đánh phá bằng phi pháo… Cuộc kháng chiến của nhân dân Bến Tre rơi vào thời kỳ vô cùng khó khăn (4).

Để chặn đứng âm mưu của kẻ thù, giành lại dân, giành lại quyền chủ động trong chiến tranh, Tỉnh ủy và chính quyền kháng chiến Bến Tre đã phát động tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, phân công trở về địa phương bám đất, bán dân “lấy tinh thần tự lực, tự cường để đấu trí với địch, lấy khí tiết trung kiên, bất khuất để đè bẹp uy vũ tàn bạo của kẻ thù. Cán bộ, đảng viên đã phải ăn bờ, ngủ bụi, chịu đựng đói khát, phó mặc thân mình cho mưa nắng, muỗi mòng. Trong nhiều tháng, các đồng chí ở Châu Thành, Sóc Sãi, Mỏ Cày phải ăn ở trên ngọn dừa hết ngày này đến ngày khác, đến đêm khuya mới xuống hoạt động. Các đồng chí ở Thạnh Phú trên đường công tác gặp bão lớn, ghe chìm, phải ôm cột đáy ngâm mình dưới nước mặn hàng tuần lễ” (5). Trong cuộc tiến quân trở về bám đất, bám dân này đã có hơn 600 cán bộ, đảng viên đã ngã xuống.

Những dòng miêu tả trên đây cho chúng ta hôm nay hình dung được phần nào tính chất gian khổ, ác liệt cùng những hy sinh mất mát lớn lao mà nhân dân Bến Tre đã gánh chịu trong những năm KCCP.

Thực hiện âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” và để cách ly dân với cách mạng, kẻ địch ra sức tập trung đồng bào ta vào quanh các đồn bót, các thị trấn, thị xã để khống chế, kiềm kẹp. Có khu tập trung khá đông như Cồn Rừng (Thạnh Phú) đến 5.000 người (6). Tình hình đó đã gây nên một cuộc xáo trộn lớn về dân cư, nhưng sự xáo trộn này chỉ diễn ra ở phạm vi trong tỉnh, không có hiện tượng đưa dân từ nơi khác đến, hoặc xúc dân từ Bến Tre đưa đi nơi khác, trừ cuộc ra đi do dân tự tổ chức gần một vạn hộ (tương đương với 4 đến 5 vạn dân) trong buổi đầu kháng chiến (1946) xuống vùng tự do Tây Nam Bộ và sinh sống ở đây cho đến hết cuộc chiến tranh (7).

Xét về mặt phát triển dân số, cho đến nay chưa có một thống kê nào đầy đủ về số người chết trong cuộc kháng Pháp lần thứ 2 của tỉnh, nhưng rõ ràng là do tính chất ác liệt của chiến tranh đã dẫn đến tử suất cao gấp nhiều lần thời bình. Và tất nhiên, ngoài số người bị bom đạn tàn sát, còn có nhiều người chết vì bệnh tật, vì thiếu thốn thuốc men, sinh hoạt vật chất kham khổ do chiến tranh gây ra.

Trong khi đó, số sinh cũng giảm đi đáng kể, vì phần lớn đàn ông phải thoát ly gia đình, đi chiến đấu. Mặc dù số sinh giảm, số tử tăng lên khá cao, đến cuối cuộc kháng chiến (7-1954) dân số của tỉnh Bến Tre đạt con số xấp xỉ 60 vạn người (8).

Khám phá quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Bến Tre: Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975):

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp kéo dài suốt 9 năm, được kết thúc bằng hiệp định Genève (20-7-1954). Tại Bến Tre, đến ngày 11-8-1954, lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực. Khắp nơi trong tỉnh, nhân dân hồ hởi tổ chức mít-tinh, biểu tình mừng chiến thắng, mừng hòa bình được lập lại. Nhưng niềm vui vừa được dấy lên, thì bà con ta lại phải lưu luyến tiễn đưa những người thân của mình (gồm 2.000 cán bộ, chiến sĩ và một số con em cán bộ) hành quân xuống Cà Mau để tập kết ra Bắc. Trong khi đó, Tỉnh ủy Bến Tre lại phải lo chuẩn bị tổ chức lại lực lượng, bố trí cán bộ ở lại, dự trữ những phương tiện cần thiết để lãnh đạo quần chúng bước vào cuộc đấu tranh mới mà Đảng đã dự cảm rằng sẽ không kém phần khó khăn phức tạp so với cuộc đấu tranh vũ trang vừa qua.

Thật vậy, chỉ trong 8 ngày nhưng tiếng súng, ngày 19-8-1954 ở Bình Đại, 5 người dân bị bắn chết, 17 người bị thương trong một cuộc đàn áp biểu tình của địch, ngày 13-9-1954 ở Mỏ Cày 11 người bị bắn chết, 36 người bị thương và hàng trăm người bị bắt trong một cuộc biểu tình quần chúng khác. Song song với việc tập hợp bọn tay sai cũ, bọn con cái địa chủ có thù với cách mạng, bọn đầu hàng phản bội và những tên côn đồ lưu manh để dựng lên một bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, Ngô Đình Diệm đã đưa đến Bến Tre một lực lượng lính bảo an, cảnh sát, mật vụ gần 3.000 tên, đóng khoảng 300 đồn bót sâu tận xã ấp để khống chế, kìm kẹp dân chúng.

Từ đầu năm 1955, chúng liên tiếp mở những chiến dịch khủng bố quy mô lớn trên khắp tỉnh, nhằm đánh vào tổ chức ĐCS và cơ sở cách mạng. Hàng loạt người yêu nước bị giết công khai trắng trợn, hoặc bị thủ tiêu bí mật, hàng vạn người bị bắt, bị giam cầm, tra tấn dã man. Riêng trong thời kỳ địch tiến hành các chiến dịch tố cộng, toàn tỉnh có trên 500 nhà giam lớn nhỏ. Miếu thờ, trường học, đình làng đã biến thành nhà giam, đêm đêm vọng lên tiếng gào thét, kêu la của những nạn nhân bị chúng tra tấn, mổ bụng, moi gan, khoét mắt… Trên sông, rạch, thường xuyên có những xác người trôi nổi, tay chân bị trói, mình mẩy đầy thương tích. Đó là những năm bọn khát máu thực hiện khẩu hiệu “chống cộng”, “giết lầm hơn tha lầm”.

Như vậy là kẻ địch không chỉ diệt cộng sản và khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ, mà chúng đã đánh vào phong trào yêu nước rộng lớn của nhân dân. Một hệ thống nhà tù cấp xã, quận đến tỉnh được thiết lập để giam cầm những người yêu nước. Khám Lá có lúc chứa đến 3.000 người, trong khi khả năng tối đa của nó chỉ có thể chứa 1.000 người.

Nhằm đánh quỵ truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất của nhân dân Bến Tre mà kẻ địch đã hiểu rõ từ lâu, và nhằm là chủ địa bàn chiến lược quan trọng này, Ngô Đình Diệm đã đưa về đây 60.000 dân di cư từ miền Bắc vào (hơn 10% dân số của tỉnh lúc bấy giờ), cấy sâu vào những vùng có phong trào kháng chiến mạnh trước đây, những vùng căn cứ cũ ở Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, Sóc Sãi, dùng họ làm chỗ dựa cho chúng về tình báo, gián điệp, về chính trị, hỗ trợ cho âm mưu phản cách mạng của chúng. Diệm còn ra lệnh cho bọn tay sai dựng lên ở Bến Tre bốn khu trù mật lớn: Thành Thới (ở Mỏ Cày), An Hiệp (ở Ba Tri), Thới Thuận (ở Bình Đại), An Hiệp (ở Châu Thành) để làm thí điểm cho việc gom dân vào các khu dồn nhằm dễ bề kiểm soát, tách cách mạng ra khỏi dân. Khu trù mật Thành Thới được chọn làm kiểu mẫu điển hình để rút kinh nghiệm trong chính sách tập trung dân của địch cho cả miền Nam. 240 mẫu đất vườn ở đây đã bị san thành bình địa. Tiếp theo là các khu tập trung dân mới được xây dựng ở các huyện như Rạch Gừa (ở Bình Đại), Bến Tranh (ở Giồng Trôm), Cầu Mống (ở Mỏ Cày), Cầu Ván (ở Thạnh Phú) v.v…

Từ sau Đồng Khởi, để đối phó lại phong trào cách mạng của nhân dân, đi đôi với việc dùng các hình thức chiến thuật quân sự bao vây, càn quét, kẻ địch tổ chức gom dân từng khu vực vào các trại tập trung mới, mệnh danh là “ấp chiến lược”. Vào thời cao điểm (cuối 1962), hàng vạn dân trong tỉnh bị gom vào trong 115 ấp chiến lược – ở đấy, mọi quyền tự do bị tước đoạt, từng người dân bị kiểm soát một cách ngặt nghèo trong sinh hoạt, đi lại, lao động v.v… Đây cũng là một trong giai đoạn đấu tranh giằng co quyết liệt nhất giữa ta và địch với nhiều tổn thất to lớn.

Chỉ riêng việc gom dân vào các trại tập trung trá hình (khu trù mật, ấp chiến lược, ấp tân sinh) của Mỹ, ngụy, ta đã thấy sự tàn bạo của kẻ địch vượt xa thời KCCP, mà hậu quả của nó là đã gây nên sự xáo trộn rất lớn về dân cư trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, thực tế diễn ra còn khốc liệt hơn nhiều trong thời kỳ chiến tranh cục bộ từ cuối 1965 về sau với sự có mặt hàng chục vạn quân viễn chinh cùng hàng triệu tấn bom đạn, thuốc khai quang đổ vào miền Nam, nhằm dùng sức mạnh quân sự của một cường quốc vào bậc nhất của thế giới để đè bẹp, tiêu diệt cuộc cách mạng giải phóng của đồng bào miền Nam, trong đó có Bến Tre.

Cuộc chiến tranh diệt sinh, diệt chủng mà kẻ địch tiến hành trên đất Bến Tre không những đã cướp đi hàng vạn sinh mạng, gây nên những đảo lộn to lớn về mặt đời sống vật chất, mà còn gây nên những thương tổn nghiêm trọng trong đời sống tinh thần, phá hoại nếp sinh hoạt truyền thống tốt đẹp của nhân dân từng hình thành qua bao nhiêu thế hệ trong cộng đồng thôn xã. Về mặt sinh thái, hàng vạn hécta vườn dừa, cây ăn trái, những khu rừng dừa nước, rừng ngập mặn v.v… đã bị B.52, thuốc khai quang và máy cày La Mã cày ủi, hủy diệt, mà muốn phục hồi trở lại cũng phải mất hàng thập kỷ.

Hơn tất cả các cuộc chiến tranh trước đó, chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ với quy mô và cường độ ác liệt kéo dài 21 năm trên đất Bến Tre đã gây nên những hậu quả to lớn và nghiêm trọng. Không kể số người bị thương, bị tàn phế, tổng số người bị thiệt mạng đã lên đến 250.000 người, trong đó có 34.715 liệt sĩ. Số người bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ là những thế hệ mai sau. Hơn 11.126 người bị tù đày, tra tấn trở thành tàn phế, mất sức lao động, nhiều người sống dở chết dở.

Ngoài tỷ lệ người chết cao – một điều không thể tránh khỏi trong chiến tranh, đặc biệt trong chiến tranh giải phóng – hàng loạt thanh niên và đàn ông phải thoát ly cầm súng để bảo vệ xóm làng, quê hương (không kể số người bị địch bắt lính để thực hiện chính sách “thay màu da cho những xác chết” của Lầu năm góc). Thực tế đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sinh đẻ ở nông thôn trong thời kỳ chiến tranh. Do vậy, số sinh trong thời gian này giảm dần như tuyệt đối. Đó là chưa kể nạn “hữu sinh vô dưỡng” và số trẻ em chết vì bom đạn, vì điều kiện suy dinh dưỡng do sống quá gian khổ, thiếu thốn ngay từ khi còn trong bào thai mẹ.

 Tóm lại, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tình hình phát triển dân cư ở Bến Tre có nhiều biến động và xáo trộn to lớn. Thêm vào đó, sự phá hoại môi sinh do cuộc chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ gây ra đã để lại những vết hằn sâu trong đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng cư dân ở đây, mà hậu quả sẽ còn kéo dài về sau này.

Nguồn: www.bentre.gov.vn

Xem thêm các sản phẩm mỹ nghệ mua làm quà tặng trứ danh xứ dừa Bến Tre:

Top 3 sản phẩm vỏ dừa đựng ấm trà vẽ thủ công nên mua về làm quà tặng khi đến Bến Tre.

Top 5 sản phẩm mỹ nghệ dừa mua làm quà tặng không thể bỏ qua khi đến Bến Tre.

Top 5 sản phẩm bình ủ trà trái dừa khắc chữ Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín mua làm quà tặng khi đến Bến Tre.

Top 7 sản phẩm bình ủ trà trái dừa khắc chữ Phúc Lộc Thọ.

Mua “Bình ủ trà bằng dừa” qua sàn TMĐT: Lazada, Shopee, TikTok, Sendo:

đánh dấu đánh dấuviền
SHOPPINGHiện tại